Tin Sản Phẩm
NHẬT BẢN VỚI CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT GIẤY SIÊU MỎNG ĐƯỢC ƯA CHUỘNG TRONG LĨNH VỰC
Nhật Bản là quốc gia rất chú trọng bảo vệ các ngành nghề thủ công truyền thống. Không chỉ dừng lại ở đó, Nhật Bản còn rất thành công trong làm thương hiệu cho các sản phẩm thủ công truyền thống. Hidaka Washi, một xưởng sản xuất giấy thủ công nhỏ nằm sâu trong núi ở tỉnh Kochi trên đảo Shikoku, là một minh chứng cho sự thành công này.
Thành lập vào tháng 4/1949, mục tiêu của Hidaka Washi là phát triển những loại giấy truyền thống đặc biệt của Nhật Bản. Tên gọi Hidaka Washi được ghép từ tên ngôi làng Hidaka, nơi đặt xưởng giấy và Washi có nghĩa là giấy Nhật.
Trong thời kỳ công nghệ sản xuất giấy bằng máy móc đang phát triển mạnh, Hidaka Washi chú trọng gìn giữ nghề sản xuất giấy thủ công. Tuy nhiên, song song với việc ứng dụng các kỹ thuật truyền thống, thợ thủ công của Hidaka Washi cũng kết hợp cải tiến và phát triển các công nghệ mới. Sự kết hợp hiệu quả này đã giúp Hidaka Washi thành công trong sản xuất tất cả các loại giấy truyền thống washi, trong đó nổi tiếng nhất là sản phẩm giấy Tengujo, được cho là mỏng nhất thế giới.
Giới thiệu loại giấy này, ông Hiroyoshi Chinzei tự hào cho biết với độ dày chỉ 0,02mm, mỏng như da người và nặng 1,6gram/mét vuông, Tengujo được mệnh danh là “đôi cánh phù dung”, là sản phẩm được ưa chuộng trên thế giới trong lĩnh vực bảo quản đồ tạo tác cổ.
Theo ông Chinzei, nguyên liệu của washi là vỏ cây mâm xôi. Các vỏ cây sau khi được tước nhỏ phơi khô, sẽ được luộc chín. Công đoạn tiếp theo là tước nhỏ và ngâm trong bồn chứa trong vài ngày để giảm bớt độ dầu trong vỏ cây, đồng thời tiếp tục làm vỏ cây mềm hơn. Đây cũng là thời điểm mà thợ thủ công sẽ kiểm tra để loại bỏ các phần vỏ cây không đảm bảo chất lượng. Tiếp đến là công đoạn nhuộm trắng sợi vỏ cây.
Thế mạnh của Hidaka không chỉ là giấy siêu mỏng mà còn là độ trắng của giấy. Xuất phát từ đơn đặt hàng của một khách hàng yêu cầu loại giấy trắng không dùng chất tẩy clo. Vào thời điểm đó, sử dụng clo là kỹ thuật tẩy trắng giấy duy nhất, tuy nhiên nhược điểm của kỹ thuật này là để lại dấu vết trên giấy là giấy ngả màu vàng nhẹ, theo thời gian sẽ mất dần độ trắng và trở nên kém chất lượng. Chính vì vậy nếu sử dụng washi có dùng chất tẩy trắng clo sẽ không phù hợp cho công việc bảo tồn các đồ tạo tác cổ.
Hidaka đã tìm ra một kỹ thuật tẩy trắng đặc biệt, đảm bảo độ trắng cũng như độ bền của giấy. Sau công đoạn tẩy trắng, thợ thủ công sẽ kiểm tra sợi vỏ cây để loại bỏ những phần sợi không đạt độ trắng tiêu chuẩn, hơi có màu ngả vàng. Đây là một trong những công đoạn đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì của người thợ. Khâu cuối cùng trong xử lý nguyên liệu là xay sợi vỏ cây thành bột giấy.
Theo ông Chinzei, bột giấy này sau khi được làm khô, tùy thuộc vào kỹ thuật xeo giấy để cho ra thành phẩm là các loại washi khác nhau trong đó có Tengujo. Công đoạn xeo giấy là bí quyết quan trọng thứ hai của Hidaka Washi. Là những người ngoài nghề, chúng tôi không nhận ra bất cứ điều gì đặc biệt trong khâu xeo giấy của Hidaka. Tuy nhiên, ông Chinzei cho biết nếu được chứng kiến toàn bộ quy trình, các thợ thủ công lành nghề sẽ dễ dàng phát hiện ra bí quyết của Hidaka và đó là lý do mà xưởng này phải quy định các khu vực cấm quay phim, chụp ảnh.
Với tám nhân công, mỗi năm Hidaka Washi sản xuất 5.000 mét vuông giấy Tengujo, được bán ra thị trường với giá khoảng hơn 260.000 đồng/mét vuông. Các loại giấy của Hidaka đạt được yêu cầu trắng, mỏng và bền, phù hợp để bảo vệ các đồ tạo tác, đồng thời vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ.
Đặc biệt đối với các văn thư cổ, Tengu đảm bảo được yêu cầu vừa chống nguy cơ mối mọt, xuống cấp, nhưng vẫn có thể đọc được các ký tự hoặc hình ảnh trên các văn thư này. Tính đến nay, washi của Hidaka Washi được xuất khẩu ra khoảng 30 nước trên thế giới, chủ yếu là ở Mỹ, châu Âu, châu Á và Trung Đông.
Đối với Hidaka Washi, thành công không chỉ mang ý nghĩa về mặt kinh tế, danh tiếng cho xưởng giấy nhỏ bé này mà trên hết là ý nghĩa về sự quảng bá, giới thiệu nét đẹp, tinh hoa của nền văn hóa Nhật Bản ra thế giới.
Nguồn: Nguyễn Tuyến - Gia Quân (P/v TTXVN tại Nhật Bản)